Yoga - Khởi nguồn của sức khỏe

Tình trạng
Không mở trả lời sau này.

Thu

Administrator
Nhân viên

Bạn mới tập yoga? Hãy lưu ý 12 điều sau.​

Đăng bởi Slow like a sloth | Tháng Tám, 2019 | Thực hành, Yoga + (previous name)
Bạn mới tập yoga? Hãy lưu ý 12 điều sau.

Nếu bạn đang cân nhắc thử mình với môn yoga, bạn đang có rất nhiều bạn đồng hành đấy. Môn thực hành bắt nguồn từ Ấn Độ này đang phát triển rộng rãi ở Mỹ, đứng thứ 7 trong danh sách dự đoán xu hướng thể thao từ khảo sát của trường Đại Học Y khoa Thể thao Hoa Kỳ năm 2019.
Yoga không chỉ là xu hướng thể thao thời thượng mà những người phương Tây hay nhìn nhận. Và mặc dù những hình ảnh có hashtag #yoga đang phổ biến trên Instagram làm mọi người hiểu lầm là nó khó khăn một cách đáng ngại, bạn không nhất thiết phải có vóc dáng hay sự dẻo dai nào đó để thực hành. Trên thực tế, người ta đã có nhiều quan niệm sai lầm về yoga – đặc biệt ở Mỹ – và việc nắm được những sự thật về yoga trước khi thử tập sẽ giúp bạn trân trọng nguồn gốc của nó và làm cho trải nghiệm của bạn tuyệt vời hơn.
Ở đây, 3 chuyên gia yoga sẽ giải thích những điều bạn nên biết trước khi bước vào buổi học đầu tiên – bao gồm cả lịch sử quan trọng thường bị bỏ qua của nó, cũng như những chuyển động mà bạn nên trông đợi, nên mặc ra sao, và chọn lớp yoga phù hợp cho người bắt đầu thế nào, những quy tắc ứng xử cơ bản và hơn thế nữa.
1. Điều đầu tiên, việc quan trọng là hãy nhớ yoga không chỉ là thể thao – nó có lịch sử lâu đời mà người tập thường không để ý.
Yoga được bắt nguồn từ nền văn minh lưu vực sông Ấn hàng ngàn năm trước đây, và trước khi nó du nhập đến phương Tây hơn một thế kỷ trước, nó chưa bao giờ được coi đơn thuần là một môn thể thao, cô Dina Deshpande, giáo viên yoga được chứng nhận, cho biết. “Nó là triết học về cách sống lành mạnh bằng cách thay đổi bản thân và cách bạn trải nghiệm cuộc đời qua những giai đoạn thăng trầm.”
Yoga cổ điển – vốn được gọi là Raja Yoga – bao gồm 8 nhánh, hoặc các hình thức thực hành. Trên tổng thể, tất cả 8 nhánh đều bao gồm yoga, vốn có nghĩa là “hợp nhất” hoặc “yoke” trong tiếng Phạn. Nhìn chung, phương pháp thực hành yoga ở phương Tây hầu hết chú trọng vào một trong 8 nhánh này – asana, nhánh vật lý vốn có nghĩa là “ngồi” hay “tư thế” trong tiếng Phạn. Tuy nhiên, 7 nhánh còn lại cũng cần thiết như nhau đối với yoga bao gồm yamas (đạo đức xã hội như là “không làm hại ai”), niyamas (nguyên tắc triết học tự chăm sóc bản thân, như là giữ vệ sinh và quan sát thói quen tư duy của mình), pranayama (thực hành thở có chủ ý), pratyahara (rút lui vào bên trong bản thân), dharana (sự tập trung đầy cố gắng trên con đường thiền định), dhyana (sự tập trung trở nên dễ dàng và mềm mại hơn), và samadhi (thiền định, trấn tỉnh, và kết nối với vũ trụ).
Như đã nói, nhiều lớp yoga ở Mỹ tập trung chủ yếu vào phần asana. Nên nếu bạn đang thích thú với lớp học làm cho bạn chú trọng vào việc tập luyện, và bạn cũng thu được nhiều lợi ích sức khỏe, bạn hãy lưu ý là bạn có thể đang bị bỏ lỡ phần lợi ích toàn diện của yoga tùy thuộc vào lớp học và giáo viên bạn chọn lựa.
2. Bạn không cần phải có mức độ thể thao hay sự dẻo dai nhất định để tập yoga
Nếu bạn search theo #yoga trên Instagram, bạn sẽ tìm được hình ảnh của nhiều người mặc legging đồ hiệu uốn éo cơ thể họ trong các tư thế phức tạp và giữ thăng bằng bằng những phương thức bất chấp luật hấp dẫn. Những hình ảnh này có thể vừa hấp dẫn vừa gây sợ hãi, đặc biệt nếu bạn chưa từng tập yoga và có hạn chế về độ dẻo. Tuy nhiên bạn không cần trang phục đắt tiền hay yêu cầu gì về độ dẻo – hoặc tình trạng sức khỏe – để thử yoga.
“Điều xảy ra ở Mỹ là trớ trêu thay chúng ta lại được giới thiệu một nền văn hóa yoga cho cảm giác độc quyền hoặc đòi hỏi vật chất – tấm thảm thích hợp, bộ trang phục, một cơ thể nào đó hoặc có tính thể thao,” Deshpande nói. Trong thực tế, “ai cũng có thể tập yoga.”
Amy Opielowski, huấn luyện viên ở trung tâm CorePower Yoga San Diego, đồng ý. “Bất cứ ai cũng có thể bước lên thảm tập miễn là họ có tinh thần cởi mở và tâm thế sẵn sàng thử điều gì mới mà không phán xét hay ôm kì vọng.”
3. Có rất nhiều trường phái yoga. Hãy chọn lớp phù hợp với bạn.
Từ hatha đến vinyasa đến yin yoga và nhiều nữa, có rất nhiều trường phái yoga khác nhau được giảng dạy ở Mỹ, và ban đầu bạn sẽ hơi choáng khi tìm hiểu các lựa chọn này, đặc biệt khi bạn chưa từng tập yoga trước đây. Trên hết, mỗi studio hoặc giáo viên lại có cách dạy khác nhau, và nhiều studio lại tạo ra những tên lớp học khác nhau. Điều tốt nhất bạn nên làm là gọi cho studio đó và hỏi lớp học yoga phù hợp cho người mới tập. Nhìn chung, những lớp học “ít nóng” sẽ dạy những tư thế nền tảng cho người mới. Vinyasa, dịch thoáng là “hơi thở kết nối với chuyển động” và tập trung vào các chuỗi chuyển động và hơi thở của bạn, hoặc hatha yoga, trong tiếng Phạn có ý chỉ bất cứ hình thức yoga nào dạy các tư thế vật lý (mặc dù ở hầu hết các studio, hatha yoga được mô tả là hình thức cơ bản và nhịp độ chậm), đều là chọn lựa tốt nhất cho người mới. Một vài studio có mở lớp dành riêng cho người mới.
Khi bạn xem xét qua các chọn lựa, hãy lưu ý rằng nhiều trường phái yoga được đặt theo tên của người giáo viên được tôn kính, ví dụ như Iyengar hay Kripalu. Một số trường phái – như Ashtanga Yoga – thì mạnh mẽ hơn, tập trung vào “các tư thế và chuyển động đầy nhiệt huyết”, trong khi một số khác như yin yoga thì lại chậm rãi hơn với việc giữ tư thế trong nhiều phút thời gian. Một số studio lại cung cấp lớp học có tính tổng hợp tập trung nhiều vào huấn luyện sức mạnh và đôi khi trong buổi học lại còn có nâng tạ và thực hiện các chuyển động như lunge và squat.
“Các studio mở ra nhiều lớp học hướng dẫn tập yoga theo cách của họ, nhưng tôi tin rằng bất cứ trường phái nào, chính giáo viên mới quan trọng.” Deshpande nói. Cô cũng lưu ý rằng với những lớp tích hợp, lý tưởng nhất là tìm được người thầy có thể “hướng dẫn những lớp này một cách toàn diện và giữ được sự cân bằng, giảng dạy triết lý yoga thông qua các thực hành mạnh mẽ.” Thông thường bạn sẽ khó tìm được các studio như vậy, đặc biệt là những studio chú trọng vào mục tiêu hình thể hay giảm cân. Nhưng nói đi thì cũng nói lại, quan trọng là tìm hiểu kĩ studio và giáo viên đứng lớp.
Và khi đánh giá studio hay giáo viên, hãy nhớ “Giáo viên của bạn không cần phải là người Ấn Độ để là một giáo viên tốt. Một giáo viên tốt không nhất thiết phải có vẻ ngoài thể thao hay “thần thánh”, một studio cũng không cần phải có dụng cụ hay chào bán trang phục cao cấp, cũng không yêu cầu cần phải có thầy Ấn Độ. Một người thầy thật sự chỉ đơn giản cần là một học viên yoga thực thụ, một người đã thực hành các khía cạnh của yoga.” Lý tưởng nhất, người thầy đó có thể kết nối asana với các nhánh khác của yoga. Hãy tìm hiểu về giáo viên và studio trên mạng và gọi cho họ để hỏi thêm về trình độ, chuyên môn và triết lý của vị giáo viên để có thể đánh giá xem cách thực hành của họ có phù hợp với điều bạn đang tìm kiếm không.
 
4. Cấu trúc của lớp học yoga đều khác nhau tùy vào trường phái yoga, nhưng có những điều chung như sau
Cấu trúc lớp học yoga sẽ khác nhau cho từng studio, từng trường phái yoga và từng giáo viên. Ví dụ như lớp học ở studio CorePower sẽ bắt đầu bằng một chuỗi tư thế giúp bạn kết nối với hơi thở. Từ đó, giáo viên sẽ yêu cầu bạn đặt ra ý đồ cho lớp học, tức là chọn một từ ngữ hay tính chất cần tập trung vào trong suốt buổi học, ví dụ như “cởi mở” hay “trị liệu”. Từ đó, bạn sẽ chuyển động theo các tư thế và chuỗi khác nhau. Lớp học của bạn có thể còn có “tư thế của ngày” mà giáo viên sẽ hướng dẫn chi tiết hơn. Các lớp học có thể bao gồm chuyển động mở hông và tăng cường cột sống trước khi kết thúc bằng bài thiền ngắn thông qua tư thế nằm Savasana.
Bên cạnh đó, một số tư thế cũng được thực hành khác nhau tùy thuộc vào lớp học và giáo viên, một số tư thế cần phải biết trước vì chúng thường xuyên xuất hiện trong các trường phái yoga phổ biến.
5. Hãy chọn trang phục tập thoải mái và vừa vặn.
Đầu tiên và trước nhất, trang phục của bạn cần phải thoải mái. Nó cũng phải hút mồ hôi tốt và cho phép bạn chuyển động, căng duỗi, và thở dễ dàng. Hầu hết mọi người mặc legging để tập, mặc dù bạn cũng có thể mặc short nếu bạn cảm thấy thoải mái với nó hơn. Với áo, một chiếc bra thể thao cùng áo thun nhẹ, thoải mái là lựa chọn tốt. Hãy đảm bảo bộ trang phục của bạn vừa vặn, ôm người hoặc bạn có thể nhét áo thun vào cạp quần để nó không xòe lung tung khi bạn di chuyển các tư thế khác nhau. Bạn cũng không cần giày gì đặc biệt vì yoga vốn tập với chân trần.
6. Hãy giới thiệu bản thân với giáo viên trước buổi học.
Hãy đến lớp sớm và tự giới thiệu mình với thầy giáo. Cho họ biết bạn mới tập yoga lần đầu và bất cứ chấn thương hay có lo lắng gì trước khi lớp bắt đầu. Một giáo viên tốt sẽ rất vui để hướng dẫn bạn những chỉnh sửa hoặc miễn tập tư thế nào đó nếu cần thiết cho bạn.
7. Đem theo bình nước, khăn và thảm yoga
Một bình nước (để cấp nước), khăn nhỏ (lau mồ hôi) và thảm (để bạn tập) là ba phụ kiện cần thiết cho bạn. Một số studio có dịch vụ cho thuê hoặc kèm sẵn chúng trong ưu đãi thành viên, bạn có thể gọi kiểm tra trước.
8. Cho dù bạn theo học trường phái yoga nào, có một số quy tắc cơ bản bạn cần tuân thủ.
Khi bạn bước vào phòng tập, hãy để điện thoại hay bất cứ thiết bị điện tử nào phía sau. Tôn trọng mức độ tiếng ồn trong không gian đó – hầu hết các studio đều là nơi yên tĩnh. Một số studio còn có tủ locker bên ngoài phòng để bạn cất giày dép. Hãy để giày và vật dụng của mình ở đó để tránh chúng làm ảnh hưởng không gian.
Khi nằm trên thảm, hãy chú ý vị trí thảm của những bạn tập xung quanh. Mặc dù sàn tập không đánh dấu, mọi người thường có khuynh hướng xếp thảm thành hàng. Khi phòng bắt đầu đầy, hãy chú ý chừa chỗ cho người khác và dịch chuyển thảm của mình khi cần thiết.
Cuối cùng, cũng như nhóm tập thể thao nào khác, hãy cố gắng đến đúng giờ và tập suốt buổi học, nếu có thể. Đây là vấn đề tôn trọng dành cho giáo viên và bạn học để mọi người có thể tận hưởng bài thực hành mà không bị phiền nhiễu.
9. Nếu bạn chưa làm được tư thế nào, đừng stress
Một giáo viên tốt sẽ hướng dẫn bạn cách điều chỉnh tư thế, và hoàn toàn chẳng sao cả nếu bạn bỏ qua một tư thế không phù hợp với mình. Bạn có thể nghỉ ngơi với tư thế Đứa trẻ bất cứ khi nào bạn muốn nghỉ.
10. Bạn có thể sẽ cảm thấy đau sau lớp học đầu tiên
Có thể bạn sẽ cảm thấy đau sau buổi học đầu tiên “Yoga có xu hướng tác động lên các cơ bắp ít được dùng, cho dù bạn vẫn tập thể thao thường xuyên.” Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy đau khớp hay dây chằng sau buổi tập yoga (khác với đau cơ chung chung), đó là dấu hiệu bạn đang bị chấn thương, trong trường hợp đó bạn nên thăm khám bác sĩ nếu cơn đau dai dẳng nhiều ngày.
11. Đừng tránh chiếm hữu yoga, hãy tự dạy mình bằng cách đơn giản là hỏi, đọc và đầu tư cho việc thực hành trước khi quyết định điều gì cho bộ môn này.
“Hãy nhớ là đôi khi chúng ta sẽ không biết chúng ta đang không biết cái gì,” Deshpande nhắc. Hãy dạy bản thân và đặt câu hỏi sẽ giúp ích cho bạn. Deshpande kể mọi người thường nói với cô rằng họ sợ tập yoga vì họ có thể vô tình chiếm hữu một môn thực hành từ nền văn hóa họ vốn không thuộc về. Cô trả lời họ như sau: “Chúng ta đang sống trong một thời kỳ mạnh mẽ, đầy biến đổi, vâng, đây là điều chúng tôi thảo luận nhiều hơn – để đem lại ánh sáng cho những thực hành hoặc triết lý có ý nghĩa sâu sắc vốn bị quảng bá xa rời cội rễ của chúng. Du nhập vào bộ môn yoga với sự khiêm tốn và tinh thần tự học hỏi, như đọc thêm hoặc hỏi những câu hỏi đơn giản, không phải là học với tư duy chiếm hữu. Việc thực hành yoga có giá trị, nên tôi hi vọng bất cứ ai hướng tới yoga hãy bước chân tìm đến nhánh yoga đang kêu gọi họ và bắt đầu.”
Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về nguồn gốc yoga, Deshpande đề nghị quyển Kinh Yoga của Patanjali và Hatha Yoga Pradipika, cũng như những lời truyền dạy của yogi Paramansa Yogananda và Swami Vivekananda.
12. Nếu bạn vẫn cảm thấy sợ hãi, hãy nhớ buông bỏ sự tự phán xét và bước vào lớp với tinh thần cởi mở
Bất cứ khi nào bạn thử điều gì đó mới mẻ – dù có hay không có liên quan đến vận động – sẽ luôn có phán xét và kì vọng. Bạn hãy cố gắng buông bỏ sự phán xét và kì vọng đó đi trước khi mở thảm. Một lớp học yoga mang đến “cơ hội tuyệt vời để kết nối với cơ thể và hơi thở trong một không gian mang tính hợp tác.” Bạn chỉ cần cho bản thân một cơ hội dễ bị tổn thương và cởi mở hơn với việc tiếp nhận mọi điều mà yoga mang lại.”

Nguồn: Self

Dịch bởi Yogavietnam
 

Người Thầy lớn _ Tirumalai Krishnamacharya​

Đăng bởi Satya | Tháng Mười Một, 2017 | Câu chuyện cuộc sống, Yoga + (previous name)
Người Thầy lớn _ Tirumalai Krishnamacharya

Tirumalai Krishnamacharya (1888 -1989) là một học giả, một người thầy lớn trong Yoga và là một bác sĩ Ayurveda. Thường được gọi là “Cha đẻ của Yoga Hiện đại”,Krishnamacharya được nhiều người coi là một trong những người thầy yoga có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 và được ghi nhận là nhân vật có công hồi sinh Hatha Yoga.

Ông tinh thông triết lý và có bằng cấp của tất cả 6 trường phái Ấn giáo. Ông đã đi khắp Ấn Độ để thuyết trình, giảng dạy và phát triển yoga. Ông được biết đến khả năng dừng nhịp tim của mình. Ông được coi là kiến trúc sư của vinyasa, theo cách ông kết hợp hơi thở nhịp nhàng cùng chuyển động cơ thể
Krishnamacharya tin rằng “Yoga là món quà lớn nhất của Ấn Độ dành cho thế giới.” Ông tin rằng yoga có thể là vừa là một phương thức thực hành tâm linh và một phương cách chữa lành cơ thể vật chất. Krishnamacharya giảng dạy yoga dựa vào triết lý của kinh Sutras Yoga của Patanjali và Yoga Yajnavalkya. Tuy tín ngưỡng của Krishnamacharya là Ấn giáo,ông tuyệt đối tôn trọng niềm tin tôn giáo khác nhau từ học trò của mình, kể cả những học trò phi tín ngưỡng. Một học trò nhớ lại rằng trong khi hướng dẫn thiền định, Krishnamacharya hướng dẫn tất cả nhắm mắt lại và “nghĩ về Thượng đế. Nếu không phải là Thượng đế, hãy nghĩ về mặt trời. Nếu không phải là mặt trời, hãy nghĩ về cha mẹ mình “. Cách dạy yoga của Krishnamacharya rất đặc biệt. Ông có những cách dạy yoga khác nhau phù hợp cho từng học trò khác nhau. Ông tin rằng yoga nên được dạy phù hợp với khả năng của học trò đó tại thời điểm đó. Vì vậy theo ông, con đường yoga sẽ có ý nghĩa khác nhau đối với những người khác nhau và mỗi người nên được dạy theo cách mà họ dễ dàng tiếp nhận nhất.
Tirumalai Krishnamacharya là thầy của những người thầy lớn khác của yoga, như Indra Devi, K. Pattabhi Jois, B.N.S. Iyengar , T. K. V. Desikachar , Srivatsa Ramaswami , A. G. Mohan , Avathuta H. H. Guru Dileepji Maharaj , và Mark Whitwell. Một người thầy lớn khác là B.K.S. Iyengar, vừa là học trò vừa là em rể của Krishnamacharya.
 

Phỏng vấn với Sharath Jois​

Đăng bởi Satya | Tháng Mười Hai, 2018 | Câu chuyện cuộc sống, Yoga +, Yoga + (previous name)
Phỏng vấn với Sharath Jois

Hôm nay tôi được tiếp một vị khách đặc biệt từ yoga astanga của thế giới. Có mặt ở đây với chúng ta là Sharath Jois Giám đốc của học viện Ashtanga yoga, cháu trai của vị thầy guru Shri K. Paatabhi Jois.
Sharath sinh ngày 29 tháng 9 năm 1971 tại Mysore, Ấn Độ, con trai của bà Saraswathi Rangaswamy, bà là con gái của vị guru. Sarath đã học những tư thế đầu tiên khi lên 7 và trải nghiệm những động tác từ chuỗi căn bản và chuỗi trung cấp khi ông 14 tuổi.
Hiện tại, sáu ngày một tuần Sarath đều dậy lúc 1 giờ sáng để luyện tập bài thực hành của mình trước khi những học viên đầu tiên đến học viện K. Pattabhi Jois Ashtanga…
s2.jpg

Tôi bị đau gối trái. Ông có gợi ý nào cho tôi không, liệu tôi có nên thực hành bài tập hàng ngày của tôi với những tư thế biến thể không?

Sarath: Prayatna shaithilya ananta samapattibhyam – Yoga Sutra 2.47. Theo kinh yoga (yoga sutra) thì bạn nên thả lỏng, thư giãn những cố gắng của mình, đừng cố ép bản thân quá nhiều. Bạn nên luyện tập nhưng tập thật thận trọng. Đừng thúc ép bản thân quá nhiều cho đến khi bạn thấy thoải mái và khỏe hơn. Bạn hãy tập thật chậm, để cơ thể thay đổi, và đừng quá nóng vội. Sự linh hoạt và dẻo dai rồi cũng sẽ đạt được. Khi luyện tập các tư thế linh hoạt hay uốn dẻo, các bài tập và các môn thể thao có thể làm cho bạn cảm thấy khó chịu và có khả năng bị chấn thương. Do đó không cần phải chơi các hoạt động thể thao khác trừ khi bạn thích những môn đó, và bạn cũng có thể chơi các môn đó một thời gian. Khi chấn thương và bị đau bạn hãy tập các động tác yoga, các asana có thể giúp bạn, khôi phục chữa lành.

Yoga nên được thực hành như thế nào?

Sarath: Yoga nên được rèn luyện như một việc thực hành về tâm linh. Yoga không chỉ giống như một bài tập thể dục. Nếu bạn chỉ tập như bài tập thể dục chắc chắn là bạn đã có những giới hạn. Nếu bạn tập yoga như việc thực hành tâm linh, sẽ không có điểm giới hạn nào cho yoga. Bạn sẽ phát triển xa hơn ở những phương diện và mức độ sâu sắc hơn trong việc thực hành. Vì vậy nên rèn để có được quan niệm rằng yoga là một luyện tập tâm linh và chúng ta nên mang tính tâm linh vào thực hành. Điều này rất quan trọng. Thay vì chỉ luyện tập yoga như việc tập thể dục, tập aerobics, hay tập gym cho cơ thể vật lý. Nếu bạn đan xen thực hành tâm linh vào trong việc luyện tập của bạn thì tôi nghĩ việc thực hành sẽ hiệu quả hơn. Toàn bộ quá trình luyện tập sẽ hiệu quả hơn. Vì thế nên học viên phải thực hành tâm linh song song với việc luyện tập thể chất.

Tôi có những điểm yếu của mình – Tôi lười biếng và không khỏe … Cách nào là tốt nhất cho tôi?

Sarath:Toàn bộ quá trình luyện tập được thực hiện để loại bỏ tất cả những thứ như tôi đã nói với bạn như karma (nghiệp), krodha (sân – sự tức giận), moha (si – mê lầm, vô minh), lobha (lòng tham), madhya (tự cao, tự đại), matsarya (sự đố kỵ) – 6 kẻ thù này nên được loại bỏ dần bằng cách thực hành yoga. Khi bạn đã loại bỏ được các yếu tố này, từng cái một và tất cả, ban sẽ thấy được thắp sáng ở bên trong, bạn sẽ đạt được sự tự do. Bạn sẽ đạt được tự do khỏi những kẻ thù này và không một điều gì có thể tác động đến bạn. Toàn bộ quá trình luyện tập là nền tảng của tự do. Đó cũng là lý do chính tại sao chúng ta thực hành yoga.

Vậy nên Tôi phải luyện tập 6 ngày một tuần. Nếu tôi tập như thế cả năm thì điều gì sẽ đến?

Sarath: Chúng ta trở nên hạnh phúc hơn, chúng ta sẽ bình an hơn. Chúng ta có thể loại bỏ được rất nhiều vấn đề về thân cũng như tâm. Hãy nhìn khắp thế giới ngày nay, chúng ta thấy rất nhiều người phải chịu đựng những căng thẳng, Ashtanga yoga cho chúng ta sức mạnh để giải quyết vấn đề đó.

Tôi ăn thịt và uống rượu bia. Ông có nghĩ tôi như vậy là một người thực hành yoga có trách nhiệm không?

Sarath: Ăn thịt là giết hại chúng sinh khác và điều này đi ngược lại với ahimsa, sự không gây hại, bất bạo động, không tàn sát. Khi việc gây hại xảy ra trong tự nhiên là một điều khác – như một con hổ ăn thịt nghĩa là không tàn phá hệ sinh thái. Nhưng uống rượu là đi ngược lại với thực hành yoga vì rượu ảnh hưởng đến sự yên bình yên nội tại và ảnh hưởng đến việc luyện tập của bạn.

Có một giới hạn nào về độ tuổi cho việc thực hành yoga không thưa ông?

Sarath: Một đứa trẻ 11 tuổi nên bắt đầu việc luyện tập, nhưng không có giới hạn nào cho những độ tuổi lớn hơn. Yoga sẽ giữ cho mọi thứ lưu chảy bên trong bạn cho đến khi bạn chết nếu bạn vẫn tiếp tục thực hành. Khi việc tập luyện yoga đến một điểm nào đó, yoga sẽ trở thành một phần của chúng ta, một phần của cuộc sống, giống như một cánh tay của bạn vậy. Nó không thể tách rời. Không thể nói: ngày mai tôi không muốn tập yoga nữa. Điều đó giống như bạn chặt cánh tay của bạn đi.
sj.jpg

Theo ông, liệu tất cả những người thực hành yoga cuối cùng cũng sẽ đạt được trạng thái giác ngộ không?

Sarath: Nếu họ phát triển bản thân thì họ có thể giác ngộ. Nhưng trước tiên, bạn phải cho phép điều đó ăn sâu bên trong bạn. Giống như khi bạn trồng một cái cây, bạn phải chăm sóc và nuôi dưỡng để cây lớn mỗi ngày. Sự nuôi dưỡng của chúng ta chính là cơ thể vật lý, là các động tác, tư thế, là sự thực hành. Nếu chúng ta luôn giữ việc thực hành đúng, Samadhi hay trạng thái định, hay giác ngộ sẽ đến bất cứ lúc nào nhưng chúng ta sẽ không biết chính xác là khi nào.

Sri K. Pattabhi Jois đã từng nói rằng “ Ashtanga là dành cho mọi người, trừ những người lười biếng” – Nhưng có thể một số người lại quá tham vọng với con đường yoga của họ?

Sarath: Rất nhiều người tham vọng với con đường thực hành yoga của họ. Nhưng quá trình yoga không thường xảy ra ngay lập tức, mà nó là một quá trình chậm và từ từ. Ngày nay mọi người muốn mọi thứ ngay lập tức nhưng yoga không phải như vậy. Yoga cần luyện tập, thực hành để hiểu. Giống như đại dương – bạn cần phải lặn xuống đáy để hiểu về biển. Nếu không, bạn thấy biển chỉ có nước.
Cảm ơn ông Jois.
Dịch _ Trần Hiếu
Nguồn_zmark.ca
 

Jessamyn Stanley – gương mặt truyền cảm hứng về thái độ tích cực với cơ thể​

Đăng bởi Slow like a sloth | Tháng Hai, 2019 | Câu chuyện cuộc sống, Yoga +, Yoga + (previous name)
Jessamyn Stanley – gương mặt truyền cảm hứng về thái độ tích cực với cơ thể

Jessamyn Stanley mong các bạn ngừng gọi cô ấy là yogi – làm ơn và xin cảm ơn. Là một giáo viên yoga 31 tuổi đến từ North Carolina, Hoa Kỳ, người từng thà tè ra quần khi đang savasana còn hơn phải ngừng dạy lớp hot-yoga ở London, cô đang gặp ít phiền toái với chút danh tiếng có được khi mọi người bắt đầu nhận ra cô ở siêu thị Whole Foods, tại sân bay, Sở quản lý cơ giới và đôi khi đâu đó trên đường.
“Đó là cảm giác kì lạ khi bạn là một đứa trẻ béo phì được những đứa trẻ thon thả muốn làm quen,” cô nói.
“Cô có phải là cô giáo yoga trong quảng cáo băng vệ sinh không?” Người ta bắt đầu hỏi khi cô làm người mẫu cho một quảng cáo của hãng Kotex. “Hey, cô là yogi trên Instagram đúng ko?” Những câu hỏi này đôi khi cũng cho cảm giác không ngừng nghỉ. Đúng là tài khoản Instagram của Stanley (với hơn 400,000 lượt theo dõi và đang tăng dần) có đầy hình của cô trong trang phục lót, thực hành các tư thế yoga khó nhằn, nhưng cô nói sự nổi tiếng và các hình thức thể hiện cái tôi ngập tràn mạng xã hội hoàn toàn tỷ lệ nghịch với lối sống yogi mà cô hướng tới. Vậy mọi người có thể thả lỏng và để cô sống cuộc đời cô muốn không?
Dù thích hay không thì Stanley cũng đã thu hút được một lượng đông đảo sự chú ý trong vài năm ngắn ngủi. Từ năm 2015, cô đã được công nhận bởi các tạp chí truyền thông tên tuổi như Forbes, Bon Appetit và USA Today- và năm ngoái cô trở thành người phát ngôn yoga cho tờ New York Times. Chương trình podcast của cô, Jessamyn Giải Thích Mọi Điều, đang bắt đầu mùa ghi âm thứ 2 và cô cũng chuẩn bị thành lập chương trình web series trong đó cô đề cập đến những vấn đề nhạy cảm như việc hợp thức hoá cần sa và những khuyết điểm của chế độ hôn nhân một vợ một chồng (vị khách mời đầu tiên sẽ là giáo viên yoga kiêm nhà tuyên truyền vận động cho thái độ tích cực với thân thể Dana Falsetti)
Stanley tin rằng người ta chú ý bởi vì họ không quen với hình ảnh một người phụ nữ da đen béo phì thực hiện được các tư thế yoga khó, và môi trường yoga ở Mỹ theo lời cô thì “bắt nguồn sâu sắc từ sự tối cao của người da trắng”. Cô không bị kiểm duyệt trong các bài phê bình về yoga hiện đại ở phương Tây và về các hình thức áp bức, miệt thị cơ thể mà cô gọi là “tiêu chuẩn sắc đẹp lấy người da trắng làm trung tâm”. Cô thường xuyên gọi bản thân là “béo mập”- trong các bài viết Instagram của mình; trong quyển sách Mọi người đều tập Yoga xuất bản năm 2017; và trong các cuộc đối thoại để coi đó là hình thức lấy lại chủ quyền một từ ngữ thường được dùng để miệt thị những người nó nhắc đến. Cuối cùng hết, cô là người phụ nữ trên con đường thập tự chinh loại bỏ mọi kỳ vọng về cơ thể yoga và cổ vũ cho những người thường không thấy mình được phản ánh trong môi trường yoga có thể bước tiếp.
tmp_DYgsXr_44937851c330e835_2016_07_13_jessamyn_yoga_corcoran_parking_garage-182_copy-300x200.jpg

Stanley mở tài khoản Instagram không phải muốn quảng bá hình ảnh một yogi mập mạp, mà muốn thu thập thêm phản hồi về các bài thực hành tại nhà cô thực hiện từ năm 2012. Cũng giống như những người thực hành yoga khác, cô chưa bao giờ thực sự thoải mái trong lớp học công cộng, cô thường nép mình ở góc xa lớp học nhất mơ là mình đang tàng hình – một hình ảnh hoàn toàn trái ngược với những gì cô đang thể hiện hiện nay. Nhưng lúc đó, cô cảm thấy không an toàn và lạc lõng, sau khi ngừng ngang chương trình cao học tại trường Đại học Nghệ thuật North Carolina, vì vậy cô tập yoga tại nhà cho an toàn. Cô tận dụng danh sách tư thế yoga của Yoga Journal và lớp học online của Kathryn Budig và Amy Ippoliti để theo dõi sự tiến triển của bản thân. “Nhưng phản hồi tôi nhận được từ mọi người lại không phải là nhận xét về bài tập, mà là Ôi trời ơi. Tôi không biết người béo cũng tập yoga được,” cô kể. “Và tôi phản ứng “Tại sao bạn nghĩ người béo không tập yoga được? Người béo làm được mọi điều bất cứ lúc nào.” Đó là lúc cô nhận ra cơ hội đặc biệt để thể hiện bài tập yoga thực thụ, “những vết sẹo và tất cả,” cô nói.
Với giọng nói cao, hệ thống truyền thông mạnh mẽ, và thái độ nghiêm túc, cô giáo yoga và người lãnh đạo suy nghĩ tân thời đã cho thế giới biết ai cũng có thể tập yoga.
Cho đến khi cô tham gia lớp đào tạo giáo viên yoga 200h tại Asheville, North Carolina tháng 3/2015 thì cô đã có một lượng theo dõi khá nhiều cùng sự quan tâm từ truyền thông báo chí. Vào tháng 1 cùng năm, tạp chí People đăng bài về “một phụ nữ tự nhận béo” với 29,000 người theo dõi trở thành “ngôi sao yoga của Instagram.” Trong bài báo, cô nói về kế hoạch gọi vốn tài trợ cho chi phí học YTT. “Rõ ràng là người ta có nhu cầu” cô giải thích “Người ta cần ai đó trông giống như họ – hoặc ít ra không giống như những người khác – hướng dẫn họ làm cái cần làm.”
Nhưng khi chúng tôi ngồi đối diện nhau ăn bánh uống latte vào một buổi sáng tháng Mười ở Durham, nơi cô sống với bạn đời và 3 chú mèo, cô lại nói cô chưa bao giờ có cảm hứng muốn trở thành giáo viên yoga. “Có quá nhiều người yêu cầu tôi làm điều đó,” cô nhớ lại. “Nhưng tôi không hiểu tại sao tôi cần phải là người đi dạy.” Thay vào đó, cô chu đáo trả lời cho fan hâm mộ bằng cách tìm hiểu và đề xuất những giáo viên cô cho là tốt ở vùng họ sống. Mãi đến khi cha cô, người từng không ủng hộ việc cô tập yoga, lại đồng ý tài trợ cho khoá học YTT thì lúc đó cô mới thực sự nghiêm túc với việc dạy. “Ba mẹ tôi không có sẵn $3000 để chi ra,” Stanley nói “Để ông có thể cảm thông như vậy, tôi nhận ra là có một lý do to lớn hơn.”
Stanley nói cuộc đời cô có thể chia thành 2 giai đoạn trước và sau khoá học YTT “Trong khoá học tôi có một vài trải nghiệm làm mở rộng tâm hồn tôi,” cô nói “Tôi có thể thấy nhiều điều tôi đã giấu kín khỏi bản thân, và tôi hiểu cách dạy mọi người sẽ là thành thật sống với yoga và toả sáng, càng nhiều càng tốt, rọi đến những không gian tăm tối, xấu xí và phức tạp và phản chiếu nó cho mọi người. Đối với tôi, dạy tức là như vậy. Thay vì đó là một chọn lựa sự nghiệp, đó là một sứ mệnh. Tiếng gọi hành động. Điều lèo lái mục đích cuộc sống. Khi tôi kết thúc khoá học, tôi như thể “OK, đã đến lúc tìm đến những người trước đây tìm đến mình.”
Và cô đã làm vậy. Stanley dành gần như mỗi cuối tuần chạy xe trên đường để đến đường những vùng mà các học viên ở đó đã liên hệ cô vì sự chân thật không màu mè và phong cách thực hành thẳng thắn. “Cô ấy rõ ràng là có phương pháp tiếp cận kiên định mà tôi rất ngưỡng mộ,” ngôi sao yoga Kathryn Budig nói. “Tôi nghĩ chúng ta đã tiến tới giai đoạn mà người ta cần ít đi cao độ và cần nhiều hơn sự chân thật, và cô ấy đưa ra những thông điệp cô ấy muốn một cách rõ ràng, không trộn lẫn.”
Mục tiêu cuối cùng của Stanley là có thêm nhiều lớp học đa dạng cơ thể để bất cứ ai cũng có thể tiếp cận khi cần – và cho những ai chưa nhận ra họ cũng cần nó nếu sự hiểu được yoga là gì. Ứng dụng yoga mới của cô – The Under Belly, sẽ được giới thiệu đầu năm nay, giúp lớp học của cô tiếp cận bất cứ ai có smartphone hoặc máy tính. Stanley nhận thấy ứng dụng này cũng cần phải trả phí, nhưng cô đã làm điều tốt nhất có thể. Cô cũng cần nguồn thu nhập để chi trả chi phí.
Trong ngày cuối cùng, tôi hỏi về những hình xăm trên cánh tay cô trông như bản nhạc. Một trong số đó là khẩu hiệu bang North Carolina, Esse quam videri, tiếng La Tinh nghĩa là Hãy tồn tại, thay vì trông có vẻ. “Cô ấy không quan tâm đến việc sự vật nhìn như thế nào hay trở thành một người biểu diễn yoga,” Sage Rountree, đồng sáng lập Carolina Yoga Company, nơi Stanley từng dạy nói “cô ấy tập trung nhiều vào việc chân thật hơn là cố tạo nên một hình ảnh trông giống thật.”
Và đó chính xác là lý do tại sao Stanley muốn mọi người ngừng gọi cô là yogi. Những yogi thực thụ, cô nói, sống trong trạng thái tách biệt vĩnh viễn với sự sở hữu vật chất, với sự lo lắng, với sự phán xét. “Sẽ là xúc phạm và kì quặc nếu nói tôi đã tìm được phương pháp xử lý, hoặc buông bỏ những chấp chước như vậy,” cô nói. Nhưng hey, cô ấy đang cố gắng vì điều đó.
tmp_6GUju6_2d21f892e7e70a2c_PS18_BHM_PostGraphic_3_Stanley_1456x1456-300x300.jpg

Nguồn: Yoga Journal Singapore
Dịch bởi Yogavietnam
 

Trong ánh sáng của Người cha – Một bài phỏng vấn Geeta Iyengar​

Đăng bởi wabisabi | Tháng Chín, 2019 | Câu chuyện cuộc sống
Trong ánh sáng của Người cha – Một bài phỏng vấn Geeta Iyengar

Geeta Iyengar không dễ bị mệt mỏi. Vào ngày cuối cùng của hội thảo Iyengar Yoga Odyssey, một chương trình 5 ngày tổ chức tại Pasadena, California, Geeta đã mời một vài giáo viên tới phòng nghỉ của mình để ăn món Ấn Độ. “Tôi mệt quá không đi nổi”, Patricia Walden một giáo viên cao cấp bật cười, cô cũng nói rằng lời mời đó tiêu biểu cho lối sống không biết mệt mỏi của con gái B.K.S Iyengar: “Khi Geeta còn ở Pune, bà ấy lúc nào cũng phục vụ gia đình, học viện và cả các học trò của mình.” Chính sự hào phóng và năng lượng tích cực này đã đưa Geeta Iyengar đi xuyên nước Mỹ từ tháng Tư tới tháng Năm trong một tour giảng dạy kéo dài cả tháng trời.
3-1-300x243.jpg

Mặc dù hầu hết người Mỹ không thuộc cộng đồng Iyengar Yoga đều biết tới B.K.S Iyengar, nhưng có rất ít người quen thuộc với cái tên Geeta Iyengar. Tuy vậy, rất nhiều người trong cộng đồng đã được học tập liên tục nhiều năm với Geeta Iyengar tại Pune, Ấn Độ ở học viện Ramamani Memorial Yoga Institute, nơi bà và em trai Prashant dạy hầu hết các lớp học. Nhiều người đã đọc và giới thiệu nhau cuốn sách mang tính đột phá của bà “Yoga: Một viên ngọc cho phụ nữ” (NXB Timeless Books, 1995). Nhiều người yêu quý và kính trọng Geeta Iyengar, một giáo viên am hiểu, quyết đoán, đầy thuyết phục theo cách của riêng bà. Điều này có thể thấy rõ ở sự kiện yoga. Khi các giáo viên dạy Iyengar cấp cao người Mỹ một cách tận tâm và tôn kính, họ hỗ trợ làm mẫu các tư thế cho bà Iyengar, trợ giúp các học viên trong các buổi luyện thở Pranayama và tập asana hàng ngày. Sau giờ hỏi đáp, một số giáo viên đã xúc động khóc khi họ công khai cảm ơn bà Iyengar, vì sự rộng lượng và hiểu biết của bà.
Cuộc đời bà Iyengar không hề dễ dàng. Vào năm 9 tuổi, bà được chẩn đoán bị bệnh thận nặng. Lúc này gia đình không có đủ khả năng để chạy chữa thuốc thang, theo lời cha bà, hoặc là tập yoga hoặc chờ chết. Năm 1973, bà Ramamani mẹ của Geeta đột ngột qua đời (sau này tên bà được đặt cho học viện). Lúc này, trở thành người chăm lo chính cho gia đình, Geeta chuẩn bị các bữa ăn và còn đảm nhiệm nhiều công việc hành chính ở học viện. “Bà trả lời mọi bức thư nhận được” một giáo viên tham gia buổi lễ mừng sinh nhật 80 tuổi của B.K.S Iyengar ở Pune năm 1998 chia sẻ.
IMG_5606-300x300.jpg

Tại buổi lễ, khi một vài người tham dự hướng sự chú ý tới giáo viên Geeta mà họ yêu mến, người cũng vừa có sinh nhật gần đây, Geeta đã rời khỏi phòng, từ chối rằng buổi lễ này không dành cho bà và bà không đáng nhận vinh dự đó. Nên tôi cứ thắc mắc rằng khi Geeta Iyengar tới Pasadena vào đêm khai mạc, bước vào một căn phòng đầy những yogi đang nói chuyện ồn ã và đột ngột trở nên yên lặng tôn kính khi bà bước vào, bà đã cảm thấy thế nào.
Geeta Iyengar mang trong mình sự cứng rắn và tôn trọng kỷ luật của cha và lòng trắc ẩn của mẹ – trong một ghi chép hiếm hoi, bà đã kể về điều này một cách đầy yêu thương vào Ngày Của Mẹ. Iyengar cũng có một sự hài hước ngọt ngào và dịu dàng. Vài lần trong buổi hội nghị, bà đã nói đùa dí dỏm với các học viên về sự lười biếng, các bẫy tâm trí mà họ sẵn sàng đi theo chính là để né tránh nỗi sợ và các giới hạn bên trong họ. Những lúc khác, Iyengar nghiêm khắc không khoan nhượng, không chấp nhận chuyện vô nghĩa, thậm chí nóng vội – cũng giống như các giáo viên tâm huyết khi thấy sinh viên của mình thất bại vì thiếu nỗ lực hay cam kết.
“Mọi người nói chúng tôi quá nghiêm khắc hoặc quá cứng rắn”, bà Iyengar nói khi lớp học đang thực hành cách đặt bàn tay trong tư thế Chó úp mặt. “Nếu các bạn vươn dài từ lòng bàn tay, thì tôi đã không quát “Bạn bị xao nhãng điều gì mà không tập trung vào đó thế hả?”” Mỗi lời hướng dẫn Iyengar đưa ra đều chứa đựng sự quả quyết mà chúng tôi lấy đó để dặn chính mình phải thực hành yoga với tất cả nỗ lực lớn lao và trung thực nhất. Đằng sau những lời chỉ dạy của bà là một trái tim thi vị: “Tâm hồn nhỏ bé thì lòng bàn tay đóng khép, ngắn ngủi. Đôi bàn tay cần mở rộng để cho đi.”
Đôi tay của bà Iyengar luôn rộng mở. Bà không có nhu cầu nuông chiều cái tôi – dù là của chính bà hay của người khác. Bà không đánh giá thấp sự hiểu biết của mình trước chủ đề yoga rộng lớn. “Tôi biết những gì mình đang làm”, bà nói, nhưng cũng bổ sung “Và tôi biết những gì Guruji (B.K.S Iyengar) đã làm được”. Chính công trình của guru là những gì bà muốn làm sáng tỏ trước tâm trí của người Mỹ – những người thường háo hức quá mức để có các câu trả lời, không tiếp nhận vai trò của uy quyền, hoặc bị xao nhãng bởi sự bám chấp vào cơ thể để có thể hiểu thấu sự việc. Sứ mệnh của bà rất rõ ràng, như bà đã từng nói, đó là đứng trong ánh sáng của cha bà và soi rọi con đường cho những người còn lại.
 
Yoga Journal:
Bà đã bình luận về sự yêu thích yoga ở nước Mỹ rằng “Đừng để nó trở thành một vụ cháy rừng”. Bà có thể giải thích thêm về câu nói này không?
Geeta Iyengar:
Sự yêu thích và nhiệt tình dành cho yoga tăng lên thì luôn được hoan nghênh. Đối với tôi việc nghiện yoga một cách lành mạnh thì tốt hơn là các chứng nghiện ngập khác. Ngọn lửa của yoga cần được duy trì cháy mãi mà không phát khói trong bản chất tâm linh của việc thực hành (sadhana). Sự yêu thích của người tập luyện (sadhaka) cần được khẳng định và truyền động lực. Tuy vậy, sở thích này không nên giống như một cơn cháy thiêu rụi cả cánh rừng; sự yêu thích đối với yoga không nên mất định hướng và xáo trộn.
Những người tìm kiếm thường đến với những người thầy và trường phái yoga khác nhau, mà không có mục tiêu hay nền tảng thích hợp. Thay vì bước đi vững tin trên một con đường cùng với những đề mục của con đường đó, anh ta thu nhặt kiến thức rời rạc và nhỏ. Thân thể, tâm thức và trí tuệ vẫn mụ mị như cũ. Tìm đến với một người thầy mới trước khi cho phép bản thân được thực hành và tiêu hóa phương pháp đã học từ một người thầy trước, chỉ khiến người đó trở nên rối loạn hơn là sáng suốt. Trước tiên, học từ một người thầy và thiết lập nề nếp thực hành nghiêm túc sẽ giúp bạn cùng với sự trưởng thành là khả năng nhận biết sự việc.
4-300x193.jpg

Thường thì những nỗi đau, vấn đề , bất an, nghi ngờ, hiểu lầm, và nhận thức sai đều bắt nguồn từ việc thiếu hiểu biết. Điều này có nguồn gốc sâu xa từ việc thiếu sự thấu suốt vào bên trong tới bản thể. Học yoga không thể giống như ăn đồ ăn nhanh được. Một người sẽ phải gắn chặt với phương pháp để có thể hấp thụ và tiêu hóa sadhana một cách chính xác và đúng đắn. Hãy ghi nhớ câu châm ngôn “Hòn đá lăn thì không mọc rêu”. Điều đó cũng giống như người thực hành sadhaka cứ mãi đi lang thang.
Yoga Journal:
Bà đã chỉ ra rằng tất cả những thắc mắc của sinh viên về yoga đã được định hướng về bệnh tật. Ngụ ý của điều này là gì, theo quan điểm của bà?
Geeta Iyengar:
Yoga đã trở nên phổ biến như một phương pháp chữa lành kể từ khi nó có giá trị chữa bệnh và phòng bệnh. Nhưng phạm vi của nó còn rộng lớn hơn vậy. Giá trị trị liệu và hàn gắn là một tác dụng phụ mang tính tích cực của sadhana, như kiểu một sản phẩm phụ. Từ quá trình chữa lành này, một sự thúc giục để tiến xa hơn, đến gần hơn với những điều chưa biết, có thể sẽ bắt đầu sớm hay muộn.
Sự yêu thích và tầm nhìn của sadhaka không nên bị giới hạn chỉ bởi khía cạnh trị liệu. Chắc hẳn là một người phải thực hành sẽ luôn đeo bám trong tâm trí căn bệnh mà mình đang chịu đựng. Việc tập luyện không nên đi ngược lại với quá trình chữa lành. Chúng ta phải biết cách đối diện với cơ thể và tâm trí của riêng mình, để các vấn đề có thể được giải quyết và vượt qua bệnh tật. Chúng ta không thể chối bỏ nhu cầu sức khỏe của cơ thể và tâm trí.
Tuy nhiên, cùng lúc đó, chúng ta không nên để sự chú tâm của mình đi lệch khỏi mục tiêu và cách tiếp cận yoga cơ bản, đó là tiến gần hơn đến bản chất của sự tồn tại. Và cũng để trí tuệ chạm tới cơ thể bên trong. Người ta phải học cách nhìn vào bên trong chính mình để tìm kiếm trạng thái tinh thần và cảm xúc cũng như năng lực trí tuệ của bản thân. Người ta phải học cách nhìn nhận các vấn đề của tâm thức, trí tuệ, cái tôi tỉnh thức và bản ngã, những điều cần phải được chỉnh sửa lại cho đúng để ở lại trên con đường tự thức tỉnh ở bất cứ đâu, và bất cứ khi nào. Người ta không thể cứ mãi chỉ mắc kẹt trong những vấn đề và nỗi đau vật lý, và sự tồn tại vật lý.
Trong khi chỉnh sửa tư thế cơ thể trong asana hay phương pháp hít thở trong pranayama, ta không chỉ chỉnh sửa các cơ bắp, xương, hay hơi thở. Chúng ta chạm tới sự tỉnh thức để hiểu về trạng thái và cách thức của nó. Sự tham gia của tỉnh thức trong asana được kết hợp lại theo cách thức tuyệt vời mà nhờ đó dòng chảy tỉnh thức này vẫn vẹn nguyên tinh khiết và điềm tĩnh.
Yoga Journal:
Bà là một bác sĩ Ayurveda. Việc hiểu biết những nguyên tắc thuộc Ayurveda cần thiết như thế nào đối với một học trò yoga?
Geeta Iyengar:
Tốt thôi, bất cứ kiến thức nào về khoa học chữa lành cũng sẽ hỗ trợ cho sự thực hành yoga, dù cho nó là Ayurveda, hay y học hiện đại, hay liệu pháp vi lượng đồng căn. Tuy nhiên, ngoài cơ thể vật lý, Ayurveda còn công nhận các khía cạnh về tinh thần, tâm trí, tâm lý và trí tuệ của con người. Do đó, nếu như bên cạnh giải phẫu cơ thể học, sinh lý học và thần kinh học, một người còn có hiểu biết về cấu trúc thể tạng – ba gunas: sattva, rajas và tamas; và ba thể tạng: vata, pitta, và kapha – thì người đó có thể có được một bức ảnh X quang rất rõ ràng về tâm và thân của họ.
Điều này vẫn là tri thức khách quan về một con người. Cùng với nền tảng của kiến thức khách quan này, yoga sẽ giúp chuyển hóa tri thức khách quan trở thành kiến thức mang tính trải nghiệm chủ quan về người ấy. Lấy ví dụ, Guruji, cha tôi, đã không có cơ hội được học Ayurveda, nhưng sự thực hành sadhana của ông, sự luyện tập chăm chỉ, dốc hết tâm sức, dấn thân triệt để, và hoàn toàn cống hiến cho yoga đã giúp ông thấu hiểu cơ thể và tâm trí một cách sâu sắc. Trên thực tế, phương pháp thực hành, giảng dạy và chữa trị đều dựa trên trải nghiệm của riêng ông. Ông đã dùng chính cơ thể vật lý và tâm trí của mình như một phòng thí nghiệm, vậy nên cách trị liệu của ông đã trở nên phổ biến khắp thế giới.
Chỉ sau khi học Ayurveda, tôi mới nhận ra kinh nghiệm của Guruji mới gần gũi với Ayurveda đến nhường nào, khi nói về khía cạnh trị liệu. Tôi cũng học Ayurveda sau khi có được hiểu biết đầy đủ về khoa học yoga. Người ta nên tập trung vào yoga trước bởi vì đó là bộ môn chính. Nhưng hiểu biết các nguyên lý nền tảng về sự cấu thành cơ bản của cơ thể người – tâm trí theo Ayurveda sẽ giúp ích rất lớn trong việc thấu hiểu toàn vẹn về con người.
 
Yoga Journal:
Bà đã khuyến khích học trò tiến tới hiểu biết về các tư thế thông qua trải nghiệm riêng trên thân thể mỗi người. Vậy một người nên làm gì khi trải nghiệm bên trong của họ không giống với những gì giáo viên giảng dạy?
Geeta Iyengar:
Tôi không nói các học trò nên hiểu asana thông qua cơ thể họ. Cơ thể là một công cụ. Một người cần có hiểu biết rõ ràng về các asana. Nhưng trong khi đang thực hiện asana hay đang trong một asana, người đó phải học cách kinh nghiệm cơ thể mình – cả bên ngoài lẫn bên trong. Để hiểu thấu sự tỉnh thức, ý thức và trí tuệ của một người cần xuyên qua cơ thể cũng như tâm trí, nhằm cùng hợp tác đánh thức sự tỉnh giác bên trong.
Và đây cũng là thực hành sadhana yoga theo đúng ý nghĩa. Giờ khi tôi yêu cầu học trò xem xét asana của họ và cảm giác cơ thể của họ – cơ thể sẽ định vị, nó sẽ phản hồi – trên thực tế việc đó là để giúp họ học được quá trình trải nghiệm sự sắp đặt của tâm thức và trí tuệ. Sự sắp đặt này là nghệ thuật cảm nhận bản thân từ trong ra ngoài và từ ngoài vào trong.
Khi một người thầy đang giảng dạy, đúng là học trò cần phải nghe lời để học hỏi. Nhưng điều đó không có nghĩa là người hoc trò không nên có sự phân biệt. Khi trải nghiệm từ bên trong của anh ta không tương đồng với lời dạy của thầy, thì anh ta phải phân tích và làm việc nhiều hơn, nỗ lực nhiều hơn để hiểu những gì mà thầy đang truyền đạt. Trò cần cọ xát trí tuệ của mình mạnh mẽ hơn một chút để kiến thức trải nghiệm từ giáo viên có thể sáng rõ hơn.
Khi dạy, tôi yêu cầu học trò của mình làm những điều sau. Họ phải học cách nhìn vào bên trong, cảm nhận chính mình, làm cho bản thân tinh nhạy hơn. Đây không chỉ là sự thể hiện ở bên ngoài. Đây là phương pháp nắm bắt. Đây là nghệ thuật của sự thấu suốt. Dạy cách thực hiện tư thế vật lý thì đơn giản, nhưng để dạy diễn tiến tinh thần trong chính asana ấy là một cách tiếp cận sâu sắc và đầy ý nghĩa.
Yoga Journal:
Suy nghĩ của bà khi là con gái của một người thầy vĩ đại là như thế nào, và bản thân bà cũng là thầy dạy các kỹ thuật của cha bà, độc giả Mỹ sẽ rất thích thú khi được biết thêm về điều này. Bà có nói, ông đối với bà “không như với con gái mà như với học trò” trong cuốn Yoga: Một viên ngọc cho phụ nữ. Bà có thể nói kỹ hơn không?
Geeta Iyengar:
Trước đây một thời gian, có ai đó đã hỏi tôi rằng tôi cảm thấy thế nào khi đứng sau cái bóng của cha mình và tôi trả lời ngay lập tức “Tôi không đứng dưới bóng của ông, mà đứng dưới ánh sáng.”
1-1-300x190.jpg

Khi tôi dạy các kỹ thuật của cha, thì ông không phải là cha tôi mà là guru. Tôi tuân theo guru như bất cứ người đệ tử nào cũng tuân theo guru của họ. Nhưng chắc chắn đó không phải là một niềm tin mù quáng. Sự lỗi lạc của guruji trên con đường này đã chứng tỏ sự đúng đắn và tính thực tế của bộ môn. Sadhana và kinh nghiệm của ông đã trở thành không chỉ một lời hướng dẫn mà còn là ánh sáng dẫn đường cho chúng ta. Khi tôi giảng dạy kỹ thuật của ông, tôi chắc chắn rằng đó là con đường đã được chứng minh. Trong khi bản thân thực hành, tôi đã chứng kiến giá trị và kết quả của phương pháp. Trong giảng dạy, tôi đã thấy kết quả trên những người học trò.
Khi tôi đang trải qua huấn luyện với Guruji, ông đã không thể hiện tình thương như một kiểu tình yêu thương mù quáng đối với con gái mình. Yoga đòi hỏi kỷ luật. Guruji là người tình cảm và nhân hậu, nhưng ông sẽ không thỏa hiệp với kỷ luật. Ông dạy chúng tôi, những học trò yoga, cần phải giữ gìn kỷ luật với bản thân vì lợi ích của chính mình.
Yoga Journal:

Bà đã nói về việc khi mẹ bà nuôi dạy bà, thì mẹ đã tình cảm nhưng vẫn cứng rắn. Bà định nghĩa thế nào về lòng trắc ẩn trong người thầy? Làm thế nào để một người thầy giảng dạy với một sự cân bằng hoàn hảo giữa tình yêu thương và kỷ luật nghiêm khắc?
Geeta Iyengar:
Lòng trắc ẩn và kỷ luật không phải là hai phạm trù tách biệt. Chúng là hai mặt của cùng một đồng xu. Kỷ luật mà không có tình thương sẽ chứng tỏ sự hung bạo và gây hại, và tình thương mà không có kỷ luật thể hiện sự bất lực hay hủy hoại. Người thầy nên cân bằng cho đúng.
Trong khi dạy, người thầy phải giữ kỷ luật đối với học trò. Nhưng kỷ luật đó không thể là kiểu luật lệ cứng nhắc và khắt khe, bởi vì xét cho cùng kỷ luật sinh ra vì lợi ích của học trò. Giáo viên không nên để kỷ luật trở thành gánh nặng đối với học viên. Mà giáo viên chỉ muốn học viên đi trên một con đường đúng đắn và ngay thẳng. Tuy vậy, sự thay đổi này sẽ không xảy ra ngay lập tức. Nên tình thương của giáo viên sẽ làm dịu bớt đi sự cứng rắn và nghiêm khắc của tính kỷ luật để người học trò có thể tuân theo kỷ luật đó một cách dễ chịu hơn.
Người phỏng vấn: Colleen Morton – giám đốc nội dung trên mạng của Yoga Journal.
Nguồn_YogaJournal
Dịch_YogaVietnam
 
Tình trạng
Không mở trả lời sau này.
Back
Bên trên